GP và PB là ngành nghề gì ?

Những nhân viên quảng cáo, tiếp thị, lễ tân… thường được gọi là PG (promotion girl - nhân sự nữ) hoặc PB (promotion boy - Nhân sự nam). PG làm việc theo hai cách thức, cố định (những người đứng tại quầy để giới thiệu sản phẩm cho khách) và lưu động (nhận show theo ca, làm việc tại các lễ khai trương, khánh thành hoặc phát tờ rơi, diễu hành quảng bá sản phẩm). Những bạn trẻ này có thể xuất hiện mọi nơi khi có yêu cầu về nhân viên hỗ trợ tại lễ khánh thành, khai trương, ngày kỷ niệm, hội thảo, cuộc họp… cho đến chương trình ra mắt sản phẩm mới, tất niên, tiệc sinh nhật, chụp hình, show thời trang, nhân viên trực điện thoại...

Về góc độ quản lý, Giám đốc Truyền thông của một đơn vị có thâm niên hoạt động gần 10 năm, chị Diễm My chia sẻ: “Mỗi khi có nhu cầu đăng tải thông tin tuyển dụng PG, tôi thường nhận được hàng trăm hồ sơ ứng tuyển. Họ chủ yếu là sinh viên muốn có việc làm thêm, sinh viên mới ra trường hoặc đang hoạt động trong các ngành nghề liên quan tới nghệ thuật. Mục đích chung là muốn có thêm thu nhập và được cọ sát với thực tế. Trong số đó, nhiều bạn lầm tưởng rằng PG chỉ cần có lợi thế về chiều cao lý tưởng, chân dài, số đo ba vòng cân đối và một khuôn mặt đẹp, ăn mặc thời trang để thướt tha đi lại trong sự kiện. Những hồ sơ đó chúng tôi sẽ loại từ vòng đầu”.
PG cần ngoại hình đẹp và khả năng chịu đựng cao. Ảnh: internet.

Cũng theo chị My, bản thân những cô gái tới tham dự phỏng vấn cũng chưa hiểu biết sâu sắc về nghề mà họ sẽ theo đuổi. Nhiều bạn gái khi nghe “nói thật” về thử thách nghề đã không còn giữ được ý định ban đầu. Chị nói: "Số lượng PG chúng tôi có thể huy động hiện nay, cần đạt những yêu cầu tuyển dụng khắt khe và liên tục được đào tạo. Nghề PG yêu cầu mỗi bạn có ý thức làm việc cầu toàn, đoàn kết, biết lắng nghe và đôi khi sẵn sàng đi làm tỉnh ngoài khi có hợp đồng. Ngoài ra, dù làm việc bán thời gian, chúng tôi cũng đề ra những nội qui nghiêm ngặt, mức độ thưởng, phạt rõ ràng nhằm hậu đãi và hợp tác với đội ngũ này lâu dài".
Ở vai trò “khách hàng”, anh Hoài Nam - Trưởng phòng Marketing của một thương hiệu nhập khẩu ô tô có tiếng tại Hà Nội, hơn một lần “cậy nhờ” tới sức mạnh của truyền thông, các nữ lễ tân hỗ trợ công việc theo chiến dịch của Tổng công ty, anh nói : “Việc có PG hỗ trợ trong các phần việc đã giảm thiểu những yếu tố đáng lo về nhân sự, trả lương cứng, các chế độ kèm theo thay vì phải quản lý nhân viên biên chế. Những PG chúng tôi hợp tác đã được sàng lọc, không đơn giản chỉ là đẹp về hình thức mà các bạn cần có trình độ học vấn nhất định, tiếp thu nhanh và đã được đào tạo bài bản về phương thức giao tiếp, đôi khi cần ngoại ngữ khá bởi khi đó, các bạn mang hình ảnh tập đoàn, doanh nghiệp hỗ trợ làm việc chứ không phải ở vị trí nhân sự thời vụ”. Theo đánh giá của anh Nam, PG lúc này không khác mấy so với những nhân viên kinh doanh trong chính doanh nghiệp. Họ cũng sẵn sàng trả thù lao xứng đáng đối với lực lượng cộng tác viên thời vụ này.
Tinh thần thép
Mặc dù được định hình tại Việt Nam khoảng 10 năm trở lại đây, nhưng trong quan niệm của nhiều người, PG chỉ là những cô gái chân dài, mặt đẹp, ba vòng đạt chuẩn. Song về bản chất "Promotion Girl", là những cô gái kiêm nhiệm nhiều công việc, từ giới thiệu sản phẩm, bán hàng khuyến mại đến người mẫu tóc, thậm chí làm MC.
Được coi như bộ mặt của doanh nghiệp, việc tuyển chọn PG cũng rất khắt khe, và một trong những yếu tố đầu tiên để tuyển PG là cao trên 1m65, ưa nhìn, khả năng giao tiếp tốt. Có hai hình thức làm việc đó là PG cố định, giới thiệu sản phẩm tại chỗ và PG làm theo giờ chỉ xuất hiện trong các bữa tiệc, lễ khai trương, với mức lương từ 100.000 - 500.000 đồng/ngày, tùy theo công việc.
"Nếu bạn chọn PG là việc làm thêm trong hè vì nghĩ rằng "chỉ đứng một chỗ là có tiền" thì bạn đã hiểu sai về công việc này", Hoàng Oanh, sinh viên năm thứ 3 trường Đại học Hà Nội chia sẻ.
Được người quen giới thiệu làm PG tiếp thị sản phẩm, Hoàng Anh liền đăng kí để có thêm thu nhập trong hè. Công việc của cô là đứng tại quầy giới thiệu mẫu điện thoại mới tung ra thị trường tại một trung tâm mua sắm. Mỗi ngày đứng liên tục 4-5 tiếng và khi có khách hàng thắc mắc về sản phẩm Hoàng Anh phải giải đáp. "Hồi mới vào nghề, cứ về đến nhà là toàn thân em lại đau nhức, không thiết ăn uống gì. Nhưng bây giờ em đã quen rồi", Hoàng Anh kể lại cảm giác ngày đầu tiên làm PG.
Mới nghe, người ta cho rằng PG là một nghề nhàn hạ, chỉ dành cho các cô gái xinh đẹp. Thế nhưng, để trở thành một PG thực thụ, các bạn trẻ phải có ý thức làm việc tập thể, tinh thần thép và trau dồi kiến thức không ngừng.
Để vào nghề, ngoài các yếu tố như ngoại hình đẹp, hoạt bát, nhanh nhẹn, có kiến thức nhất định... khó nhất vẫn là khả năng rèn luyện cho đôi chân đứng thật vững. Một số chương trình kéo dài hàng tiếng đồng hồ, chân phải mang giày cao gót, miệng phải luôn cười thật tươi, và đôi khi phải nói không ngừng, chưa kể những chương trình mang tính đặc thù khiến nhiều PG phải di chuyển liên tục.
"Có những lúc chân muốn chảy máu, bụng thì đói, nhưng vẫn phải cố gắng vui vẻ, tươi cười, không được để khách hàng phiền lòng và phản ảnh với công ty thuê mình. Nhiều show quảng cáo rơi vào thời tiết đông rét buốt, PG vẫn phải vững tinh thần "nghiến răng" mặc đồng phục "thoáng gió", đôi chân cứng cáp để đứng liên tục trong nhiều giờ đồng hồ nói chào, tươi cười, nhắc tên sản phẩm. Đôi khi cần "chai mặt" lúc gặp khách hàng khó tính, gắt gỏng, khó chịu, có người bất lịch sự, ném ngay tờ rơi trước mặt thì PG cũng phải cố chịu đựng", một PG cho biết.
Các công ty chuyên cung cấp cũng cho biết, vào những ngày lễ lớn, trung bình mỗi công ty có thể điều động từ 30-50 PG/ngày cho các sự kiện. Nhu cầu ngày càng cao nhưng không phải cô gái nào cũng đạt PG chuẩn và không phải ai cũng theo được nghề này. PG thực sự là một nghề mà ở đó không thực sự nhàn nhã như nhiều người nghĩ, cũng cần có cái nhìn tôn trọng hơn dành cho những cô gái xinh đẹp và tài năng này. Dù thế nào, họ vẫn chạy tốt công việc của mình và ngày càng cho thấy sự tích cực trước trách nhiệm và hiệu quả công việc mà họ mang lại, một cách âm thầm và vinh quang nhất.

0 comments:

Post a Comment