Người cảnh giác quá mức, coi chừng mắc chứng Paranoia


Rối loạn nhân cách Paranoia là kiểu khá đặc biệt vì có những biểu hiện gần với đời thường nên nhiều khi không được chú ý đúng mức, lâu ngày dẫn đến xung đột giữa vợ chồng, với đồng nghiệp, thậm chí đưa tới kiện cáo…

Bệnh nhân gặp phải những vấn đề như xung đột vợ chồng, xung đột với đồng nghiệp và gặp rắc rối với chính quyền vì những hành vi tấn công gây thương tích, thậm chí giết người. Bệnh nhân thường phản ứng thái quá do ghen tuông bệnh lý dẫn đến bạo hành, nhất là khi lạm dụng rượu.
Chứng Paranoia hay gặp ở nam hơn nữ, ở các cộng đồng thiểu số, những người nhập cư, người khiếm thính và những người sống trong chế độ chuyên chế thiếu dân chủ… Người ta không thấy yếu tố gia đình cũng như mối liên hệ của rối loạn nhân cách này với bệnh tâm thần phân liệt. Những người bị rối loạn nhân cách Paranoia hiếm khi tự mình đi khám bệnh mà thường chính người xung quanh như vợ, chồng, thủ trưởng… yêu cầu họ phải đi khám vì những tình huống mà họ gây ra khiến mọi người không chịu nổi. benh-a-2144-1379577840.jpg
Dấu hiệu nhận biết
Tính cách chung: hiếu chiến và thích kiện cáo; đam mê điên cuồng, hy vọng không tưởng; thích bới lông tìm vết; sùng đạo quá mức; ghen tuông một cách bệnh hoạn.


Đa nghi và tự ái quá mức: dẫn đến việc lý giải hoàn toàn sai lệch các hành vi, cử chỉ, lời nói của người khác, các biểu hiện bình thường đều được quy kết cho là làm nhục hay đe dọa…

Bệnh nhân luôn sống trong nỗi lo bị lừa gạt, từ đó dẫn đến các mối nghi ngờ đối với bạn bè, đồng nghiệp và bạn tình. Họ dễ phật ý mất lòng, dễ dàng biểu lộ tự ái và có thể phản ứng một cách quyết liệt như kích động tấn công hay thù hận dai dẳng. Do luôn nghi ngờ như vậy nên bệnh nhân luôn ở trong trạng thái “cảnh giác quá mức”.

Cố chấp: phán đoán theo một lôgíc riêng để bảo vệ quan điểm và những nghi ngờ của mình. Từ chối tất cả sự phê bình. Có tác giả gọi là sự “cứng nhắc tâm thần”.

Đánh giá quá cao bản thân: dẫn đến cảm giác tự tôn và tính cách chuyên chế, ngạo mạn. Họ luôn chắc chắn về tính đúng đắn trong quan điểm của họ và áp đặt quan điểm này cho người khác. Người thân thường phải chịu đựng sự độc đoán của họ. Người ta nhận thấy cảm xúc của bệnh nhân thường thu hẹp, họ có vẻ lạnh lùng, xa cách, nhưng bên dưới là một sự kìm nén cảm xúc và căng thẳng cao độ. Một số trường hợp che giấu sự kiêu ngạo của mình bằng bề ngoài khiêm tốn thái quá.

Các nét tính cách trên dẫn đến hậu quả bệnh nhân kém hay không thích ứng được với cuộc sống xã hội. Bệnh nhân thường sống cô độc, ít quan hệ tình cảm. Họ có xu hướng biểu lộ sự quá khích như say mê chính trị, cuồng tín, tham gia các giáo phái bí mật… Mặt khác, do lối sống cách ly nên một số người có khả năng tự học rất tốt, khả năng trí tuệ cao nên có những thành công về mặt xã hội đáng kinh ngạc. Các rối loạn của bệnh nhân thường mang tính chất khu vực, tức có khi chỉ ảnh hưởng đến một lĩnh vực nào đó trong đời sống sinh hoạt, các mặt khác vẫn bình thường.


Dễ bị trầm cảm do không đạt được những đòi hỏi vô lý, có bệnh nhân tự sát vì thất vọng hay để chứng minh cho mọi người thấy sự đúng đắn của mình. Đôi khi rối loạn nhân cách tiến triển nặng tới mức hoang tưởng phải nhập viện điều trị. Tuy nhiên, một số bệnh nhân khi lớn tuổi và trong điều kiện môi trường thuận lợi ít xung đột, các nét tính cách khác dần giảm đi và có cuộc sống chấp nhận được.

Điều trị
Thực sự đây là một trong những dạng rối loạn nhân cách khó điều trị nhất, đúng với câu “giang sơn dễ đổi bản tính khó dời”. Sự lựa chọn hàng đầu trong điều trị rối loạn nhân cách Paranoia là liệu pháp tâm lý cá nhân vì các bệnh nhân này thường phản ứng xấu với liệu pháp nhóm, các liệu pháp hành vi và các liệu pháp thâm nhập quá sâu vào đời tư.

Nhà trị liệu tâm lý luôn giữ vai trò trung lập khi tiếp cận bệnh nhân, không ủng hộ cũng như không coi thường các ý tưởng dù lệch lạc của bệnh nhân. Đôi khi các hành vi của bệnh nhân có thể mang tính đe dọa như chửi rủa, tấn công đến mức nhà liệu pháp tâm lý phải kiểm soát và đặt lại giới hạn với bệnh nhân. Việc phê phán, kết tội phải được thực hiện gắn liền với thực tế rõ ràng, chắc chắn nhưng không mang tính làm nhục bệnh nhân.

Với bệnh nhân rối loạn nhân cách Paranoia, điều đáng sợ nhất là nghĩ rằng những người mang đến sự giúp đỡ cho mình là những người yếu đuối, kém cỏi. Trong trường hợp bệnh nhân kích động hay lo âu, bác sĩ có thể dùng thuốc. Chú ý thuốc dùng phải ít gây tác dụng phụ, nếu không bệnh nhân sẽ bỏ điều trị vì họ rất nhạy cảm với tác dụng phụ của thuốc an thần.
Theo Sài Gòn tiếp thị

0 comments:

Post a Comment