Niềng răng có nguy hiểm không ?


Niềng răng là biện pháp chỉnh nha được rất nhiều bạn trẻ sử dụng. Tuy nhiên, phương pháp này cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm.

Theo TS Phạm Như Hải, Trưởng khoa Răng - Hàm - Mặt, Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba, niềng răng là giải pháp lý tưởng của nhiều người trong việc khắc phục nhược điểm của bộ nhai.

Chẳng hạn, các trường hợp bị sai lệch hoặc có nguy cơ sai lệch khớp cắn; người mắc các bệnh lý hay tai biến do sai khớp cắn; xương hàm gây ảnh hưởng đến chức năng và thẩm mỹ.

Tuy nhiên, những bệnh nhân đang bị bệnh toàn thân nặng, đặc biệt các bệnh nhiễm trùng nặng, bệnh về máu tuyệt đối không được niềng răng.

Ngoài ra, đây không phải là giải pháp thích hợp cho những bệnh nhân tâm thần, người đang bị viêm quanh răng tiến triển.

Về nguyên tắc, niềng răng sẽ giúp hàm răng, khuôn mặt đẹp hơn, ăn nhai tốt hơn. Tuy nhiên, việc này chỉ nên thực hiện khi thực sự cần thiết.

Bởi niềng răng chủ yếu nhằm đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của con người, hoàn toàn không phải là liệu pháp làm cho răng chắc khỏe hơn như các phương pháp điều trị nha khoa khác.

Đặc biệt, người niềng răng còn phải đối mặt với nhiều vấn đề từ rủi ro khi thực hiện sai cách.

Nguy cơ chết tủy do niềng răng sai cách

TS Hải khuyến cáo, nếu thực hiện đúng kỹ thuật và giải phẫu răng cho phép, kết quả sau khi niềng răng xong sẽ ổn định suốt đời.



Ngược lại, người bị điều nắn chỉnh răng không đúng có thể khiến răng bị nghiêng, không khít nhau, làm mất thẩm mỹ và dễ tái phát, ăn uống khó khăn, hay bị mỏi, đau khớp hàm...

Nếu người làm không có kinh nghiệm còn có thể khiến bệnh nhân bị lòi chân răng, viêm tuỷ, răng lung lay, thời gian điều trị kéo dài. Chính vì vậy, việc chọn bác sĩ điều trị cho mình có vai trò quan trọng nếu không rất dễ bị mắc các tai biến.

Có thể làm mặt biến dạng

Bác sĩ này cũng cho biết, các bệnh nhân đang trong độ tuổi phát triển, khuôn mặt có thể thay đổi do sự phát triển của xương hàm cần thận trọng khi thực hiện phương pháp này.

Nếu trước khi phục hình răng mà mặt đã lệch thì sự phát triển của khung xương sau khi tiến hành niềng răng sẽ khiến tình trạng nghiêm trọng hơn. Điều này cũng tương tự nếu trẻ có cằm dài.

Chế độ chăm sóc răng cầu kỳ

Thực tế, niểng răng là phương pháp điều trị rất phức tạp và khó khăn. Người niềng răng phải tốn chi phí không nhỏ và thời gian lâu nhất có thể từ 2-3 năm để sở hữu một hàm răng đều đẹp.

Đó là chưa kể đến những vướng víu, đau đớn trong lúc phải đeo các dụng cụ niềng răng.

Người có hàm răng thẳng đều nhờ niềng răng cũng cần phải có chế độ chăm sóc răng cầu kì hơn như phải chú ý khám răng định kỳ, đánh răng theo hướng dẫn, khi ăn tốt nhất nên hạn chế ăn thức ăn dai, cứng.

Ngoài ra, sau khi tháo mắc cài, để duy trì kết quả tốt nhất, người niềng răng phải thường xuyên đeo hàm duy trì. Tuy nhiên về cơ bản, sau khi niềng răng, chúng ta vẫn có thể ăn nhai bình thường.

Răng rụng sớm hơn

Nhiều người lo ngại sau khi niềng, liệu khi về già, răng và hàm của họ có trở nên yếu hơn hay không. Với thắc mắc này, TS Hải cho biết điều đó hoàn toàn có thể xảy ra nếu tay nghề bác sĩ không tốt.

Về lâu dài, người niềng răng có thể dễ mắc các bệnh lý về bộ nhai hơn. Đồng thời, họ cũng ăn nhai khó hơn, dễ bị đau và rụng răng sớm hơn bình thường.

Làm thế nào giảm thiểu rủi ro

TS Phạm Như Hải khuyến cáo, để hạn chế tối đa những biến chứng khi niềng răng, trước hết phải xác định được sự cần thiết hay không của việc chỉnh nha, cần lường trước những nguy cơ có thể xảy ra.

Hiện nay các phòng khám chỉnh nha tương đối nhiều, những người có nhu cầu cần phải tỉnh táo chọn địa chỉ uy tín với đội ngũ bác sĩ tay nghề cao.

Mặc dù, niềng răng hiện tại là kỹ thuật không gây nguy hiểm cho con người nhưng vẫn có thể khiến bệnh nhân gặp rất nhiều biến chứng.

0 comments:

Post a Comment